“Bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa,
và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc”. (Lc 2,38)
và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc”. (Lc 2,38)
Lời Chúa: Lc 2,36-40
Khi ấy, 36 có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Đoạn này gồm 2 chuyện nhỏ:
a/ Bà Anna (cc. 36-38)
- Bà sống đúng mẫu mực của một người phụ nữ lý tưởng: năng lên Đền thờ, ăn chay cầu nguyện (c. 37).
- Vì là một ngôn sứ (c. 36), bà được soi sáng cho biết Hài nhi Giêsu chính là Đấng Messia, cho nên khi gặp Hài nhi bà đã cảm tạ Thiên Chúa và loan báo tin mừng đó cho mọi người hiện diện (c. 38).
b/ Toát yếu về nếp sống của Hài nhi Giêsu (cc. 39-40): ngày càng tăng thêm sức khoẻ, sự vững mạnh, sự khôn ngoan và ân nghĩa với Chúa.
Như thế là sau những biến cố đặc biệt quanh cuộc Giáng sinh, Chúa Giêsu đi vào cuộc sống bình thường, ngày ngày thu tích những điều cần thiết cho sứ vụ tương lai.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Bà Anna đã đến tuổi “tri thiên mệnh” nên biết và theo đuổi những gì là quan trọng cho cuộc sống: cầu nguyện, tu thân tích đức và mong chờ ơn cứu rỗi.
2. Gương của trẻ Giêsu chỉ cho chúng ta thấy những gì cần thiết cho quá trình thành nhân:
- Nuôi dưỡng sức khoẻ thể lýCủng cố sự vững mạnh tâm lýPhát triển trí khônLớn lên trong ơn Chúa.
3. Trên tường một nhà thờ cổ ở Đức có một bức tranh được vẽ cách nay khoảng 500 năm, diễn cảnh trẻ Giêsu đang đi học. Họa sĩ vẽ Ngài là một cậu bé 6 tuổi đang một tay nắm tay bà ngoại Anna và tay kia cầm cặp.
Trẻ Giêsu cũng giống như những bé trai, bé gái cùng thời đến trường để thêm kinh nghiệm, như Thánh Kinh nói: ”Con trẻ ngày càng khôn lớn”. Điểm đặc biệt của Ngài là “hằng được nghĩa cùng Thiên Chúa”. (Góp nhặt)
4. ”Bà Anna cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài nhi, cho hết những ai đang mong chờ ngày giải phóng Giêrusalem”. (Lc 2,38)
Tôi tình cờ nghe được mẫu đối thoại giữa hai người, một trong hai không vừa làm dấu thánh giá ở một chỗ đông người. Một người hỏi: ”Sao anh làm dấu thánh giá chỗ này ?” Người kia tỏ vẻ ngạc nhiên và điềm tĩnh trả lời: ”Mình là người Công Giáo kia mà!” Câu trả lời ấy cứ vang mãi trong tâm trí tôi. Và tôi hiểu ra rằng: phải luôn tự hào được làm con cái Chúa; và sẵn sàng giới thiệu Chúa cho mọi người. Vâng, tôi vẫn thường giới thiệu Chúa không chỉ bằng dấu thánh giá nhưng còn bằng cả cuộc sống, lao động và cầu nguyện, công bình và bác ái, yêu thương và phục vụ. Chẳng biết tôi đã thực hiện được đến đâu, nhưng nhờ ơn Chúa, tôi sẽ cố gắng.
Lạy Chúa, xin cho con luôn sống thân mật với Chúa, để có thể nói về Chúa cho mọi người với cả tấm lòng thành. (Epphata)
Câu chuyện
Hai phụ nữ vừa mừng thọ 70 tuổi, nhưng mỗi người nhìn biến cố này theo một cách khác nhau. Một bà “biết” rằng đời mình đã xế bóng. Đối với bà, 70 năm sống đã làm tàn tạ cơ thể bà và bà nghĩ tới cái chết. Bà kia thì lại tin rằng con người làm được gì là tuỳ ở niềm tin của mình, và vì thế, bà đã đề ra một lý tưởng cao hơn cho mình. Bà tin rằng leo núi là một loại thể thao thích hợp ở tuổi của bà.
Suốt 25 năm sau đó, bà đã dấn mình vào cuộc mạo hiểm mới này, và bà đã chinh phục được một số đỉnh núi cao nhất thế giới, khi bà ở tuổi 90. Đó là bà Hulda Crooks, bà đã trở thành người phụ nữ già nhất thế giới leo tới đỉnh núi Phú Sĩ. (x. Đánh thức con người phi thường trong bạn).
Nhận xét
Đăng nhận xét