Mt_22_34-40.jpg


Để được gần Chúa và gần nhau hơn


(CHÚA NHẬT 30 TN A - 2020)

Có một thứ “văn hoá” mang đậm ý nghĩa “nhân sinh” và “tương quan liên vị” đã ảnh hưởng sâu đậm vào tâm thức cũng như lối ứng xử của người dân Việt chúng ta đó là “văn hoá đùm bọc” hay có thể gọi nôm na là “văn hoá bí bầu” !

 

Vâng, đây có thể nói được là “loại hình văn hoá” mà ngôn ngữ hình tượng bình dân của người Việt mọi nơi và mọi thời gọi là “Lá lành đùm lá rách”, hoặc nên thơ, âm điệu hơn như câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; và cũng trong ý nghĩa “tương quan con người” và “nhân bản” đó, nếu được diễn tả triết lý hơn, tâm lý hơn, thì văn hoá đó, lối ứng xử đó lại cô đọng thành một câu tục ngữ rất gần với lời dạy của Thánh Kinh: “Thương người như thể thương thân”, và cũng gần với những lệnh truyền bàng bạc trong luật lệ của các tôn giáo: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”…

 

Những điều luận giải trên, quả thật, được chứng nghiệm thật tỏ tường, đặc biệt, trong những ngày cuối tháng mười nầy, những ngày mà dân Miền Trung với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam đang oằn mình gánh chịu những đợt lũ lụt kinh hoàng nhấn chìm hàng ngàn mái nhà, cuốn chết hàng trăm nhân mạng, mang đến không biết bao nhiêu đau thương tang tóc. Thật vậy, hơn lúc nào hết, trong những thời khắc điêu linh như thế, người dân Việt ở khắp nơi bỗng dưng thấy gần lại như “bí bầu trên một giàn”; gần lại như cô ca sĩ Thuỷ Tiên “lá ngọc cành vàng”, đã quyên góp hàng trăm tỉ đồng, không nề đường xa, mưa gió, hiểm nguy… đã mang quà trao tận tay cho những “đồng bào” miền Trung mà hầu hết chỉ là “người dưng nước lã” đang mình trần thân trụi, đói khát lầm than… “Thương nhau như bí bầu”, “thương người như thể thương thân”… nào không phải là như thế sao ?

 

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật cuối tháng mười nầy cũng muốn chuyển tải đến mỗi người Công Giáo nội dung cốt yếu về “lối ứng xử thương nhau” trong “Thập Điều” Cựu ước hay “Giới luật tình mến” của Tân Ước xoay quanh câu chuyện “chất vấn của đám Biệt Phái dành cho Chúa Giêsu về “Giới răn trọng nhất”: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”.

 

Để hiểu được trọn vẹn câu trả lời của Chúa Giêsu “Mến Chúa trên hết mọi sự… và yêu thương anh em như chính mình”, có lẽ chúng ta cùng dừng lại những chỉ dẫn của các Bài Đọc Lời Chúa được công bố nơi “Bàn Tiệc Lời Chúa” hôm nay.

 

Trước hết, nếu đặt các lời giáo huấn của sách Xuất Hành trong Bài Đọc 1 hôm nay trong thời điểm khi dân Israel còn lang thang trong hoang mạc trên đường về Đất Hứa, thì tính đến hôm nay, những “lời nghiêm huấn” nầy cũng cách thời đại chúng ta hơn 3.000 năm. Với một đoàn dân như một “bộ lạc hoang mạc”, có thể nói được là “ăn lông ở lỗ” như thế, cứ tưởng rằng, người ta sẽ “chơi luật rừng”, và ứng xử với nhau chẳng khác nào “sói với sói” như câu ngạn ngữ Latinh: homo homini lupus est. Thế nhưng không, Chúa đã dạy họ hay họ đã sống những điều mà xem ra con người trong thế giới văn minh 4.0 nầy cũng phải “cắp sách học lại”: “Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van…Nếu ngươi cho người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng. Nếu ngươi nhận áo xống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn: vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào khác mặc để ngủ…”.

 

Quả thật, những lời của sách Xuất Hành trên quá gần gũi, quá tương đồng với cái nền “văn hoá bí bầu”, “văn hoá lá lành đùm lá rách” của Việt Nam chúng ta.

 

Và rồi, khi dân Israel một khi đã “vào Đất Hứa”, một khi đã “no cơm ấm áo”, nơi ăn chốn ở ổn định, kinh tế, vương quyền, chính trị cường thịnh… thì hình như họ quên lãng những “nghiêm luật” mang tính “nhân bản và liên vị”, để biến “tôn giáo của Giao ước” trở thành những bổn phận khô khốc, vô hồn đối với một “Đức Chúa Trời trên các tầng mây” mà họ hiu hiu tự đắc cho là “nét ưu việt của một thứ tôn giáo độc thần”: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn người” (Đnl 6,5). Vâng, đó là một câu Kinh Thánh trong sách Đệ nhị Luật mà người Do Thái sùng đạo nào cũng thuộc nằm lòng vì họ đọc mỗi ngày như một lời “kinh nhật tụng”; và dĩ nhiên, đối với tâm thức tín ngưỡng của họ: nội dung cốt lõi của việc thể hiện niềm tin chính là quy chiếu và thực hiện giới răn nầy: Mến Chúa bằng lễ lạc, phụng tự, luật lệ… sao cho nghiêm túc, và bất cần đến những nỗi đắng cay, lầm than của anh em đồng loại xung quanh.

 

Và như Tin Mừng hôm nay vừa kể, để “trắc nghiệm” bài giáo lý và lập trường đức tin cơ bản nầy, những người Biệt phái đợi chờ Chúa Giêsu bày tỏ thái độ có “mến Chúa trên hết mọi sự” như họ không nên họ đã dàn dựng một màn phỏng vấn: “Thưa Thầy trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?”. Và câu chuyện đã mang họ đi xa hơn điều họ mong đợi ! Như một người đạo đức bình thường trong truyền thống đức tin của cha ông, Đức Kitô đã trả lời đúng phóc câu Lời Chúa của sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất”.

 

Nhưng hơn thế nữa, Ngài đã “móc” lại một điều luật được ghi trong một sách Thánh Kinh khác, sách Lêvi, mà có lẽ, những ông biệt phái, những thầy ký lục ít khi đọc đến hoặc xem thường, như chính cách sống của họ đã “bỏ rơi hay xem thường con người”: “Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.” (Lv 19,18). Và có lẽ câu phán quyết “xanh rờn” tiếp liền sau đó đã làm họ ngỡ ngàng và chưng hửng: “Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”. Vâng “Hai” chứ không chỉ có “một”.

 

Như vậy đã quá rõ ràng, với lập trường sống đạo và quan niệm đức tin của Chúa Giêsu, trong giới răn “mến Chúa trên hết mọi sự” phải bao hàm “yêu thương anh em như chính mình”. Và bằng chính cuộc sống của đời mình, Tin Mừng đã thuyết minh cách hiện thực lập trường và quan niệm đó của Ngài:

 

- Chen chân giữa đám dân đen để cùng họ lội xuống dòng sông Giođan cho ông Gioan làm phép rửa, một điều xem ra quá xa vời và lố lăng đối với những người “Biệt Phái”, những kẻ vẫn tự hào là những người “mến Chúa trên hết mọi sự”.

 

- Ngài tiếp cận với những người cùi hủi đáng thương để đem họ trở về cuộc sống bình thường, trong khi những người tự xưng mình thuộc “biệt phái sùng đạo” sẽ không bao giờ dám tiếp xúc bởi họ sợ bị nhiễm uế.

 

- Ngài đã kêu gọi Lêvi, người thu thuế trở nên Tông đồ Matthêu, thăm viếng nhà tay trưởng ty thuế vụ Giakêu để hoán cải ông nên người hoàn thiện, những con người mà dưới con mắt và trong quan niệm của những người “biệt phái”, giữ luật “mến Chúa trên hết mọi sự” sẽ bị loại trừ khỏi cộng đoàn.

 

- Ngài đã đón nhận những giọt nước mắt thống hối của người đàn bà tội lỗi để chị hoàn lương làm lại cuộc đời mới, một hành động mà những người thường vỗ ngực tự xưng là “công chính” sẽ kết án là gương mù, gương xấu.

 

- Ngài đã tỏ thái độ cảm thông và kính trọng người phụ nữ ngoại tình bị bắt tại trận để cuối cùng trao ban một phán quyết đầy nhân ái yêu thương: “Phần Ta, Ta cũng không kết án chị đâu”, một hành động mà những người vẫn tự hào về niềm tin “trung thành với Thập Điều Sinai” sẽ kết án là phá luật cha ông, là ngược dòng truyền thống.

 

- Ngài đã sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho các môn sinh để dạy họ bài học cụ thể yêu thương phục vụ, một hành vi xem ra không thích hợp chút nào đối với tác phong ăn trên ngồi trước của các vị tư tế đương thời, những người luôn miệng giảng rao về luật “mến Chúa trên hết mọi sự”.

 

- Và sau cùng, Ngài đã sẵn sàng chịu chết giữa hai tên trộm cướp để hoàn thành lời chứng cuối cùng: chết vì yêu thương anh em chính là của lễ đẹp nhất để tôn vinh và yêu mến Thiên Chúa, lại là kết quả của một bản án mà những người Do Thái có chức quyền và sùng đạo đã nhân danh luật “mến Chúa” mà kết án Ngài: “Nó đã nói lộng ngôn !”…

 

Kể từ độ ấy, hay như ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong thứ gởi giáo đoàn Thêxalônica nơi Bài đọc 2, kể từ khi “Lời Chúa vang dội không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà còn trong mọi nơi”, thì những Kitô hữu “đã noi gương Chúa, đã nhận lấy lời rao giảng giữa bao gian truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần, đến nỗi … đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia”. Vâng, mẫu mực đó, chứng từ của một “tôn giáo mới trên nền tảng của Tin Mừng Đức Kitô chính là cùng nhau thực hành hai điều răn “mến Chúa – yêu người” cách trọn hảo.

 

Thật vậy, nếu những ngày đầu Hội Thánh, Phêrô và Gioan đã “nhân danh Đức Giêsu Nadaret” làm cho người què đứng dậy, thì trải dài cuộc hành trình suốt 2000 năm sau đó, những cô gái như Maria Goretti vì mến Chúa sẵn sàng tha thứ cho kẻ sát hại mình; những chàng trai như Maximilien Kolbe cũng chỉ vì mến Chúa nồng nàn để can đảm chết thay cho một bạn tù còn vợ con… Và mới đây thôi, Mẹ Têrêsa thành Calcutta, người lãnh giải Nobel Hòa bình năm 1978, dành cả một đời để yêu người nồng thắm cùng với những giờ thinh lặng nguyện cầu sốt sắng trước nhà tạm… để thêm lòng mến Chúa thiết tha !

 

Và như thế, để yêu nhau và yêu Chúa, để gần Chúa và gần nhau hơn, chúng ta có thể kết thúc bài suy niệm nầy bằng chính những lời cầu nguyện của mẹ Thánh Têrêsa Calcutta: “Con xin Chúa hôm nay cũng như mỗi ngày, hãy vui lòng dạy con Tình yêu, để con cũng vậy, con biết yêu. Amen”.

 


Nhận xét