Trở về
Thiên Chúa yêu thương đã ban cho con người có lý trí để nhận biết sự hiện diện của Chúa. Ngài còn nhắc nhở và mời gọi ta hãy trở về với Ngài là nguồn cội, là cùng đích của mọi loài. Lời Thánh vịnh 90 cho chúng ta biết cuộc sống trần gian này chỉ là tạm bợ và thân phận con người mong manh và mỏng giòn...
“ Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
Địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Thiên Chúa vẫn là nơi chúng con vào trú ẩn.
Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Người phán bảo: Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi.
Ngàn năm Chúa kể là gì tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
Khác nào một trống canh thôi”.
Thiên Chúa nhắc nhở ta qua những mạc khải, qua lời các ngôn sứ, qua Thánh Tử Giêsu và hôm nay còn nhắc nhở ta qua Giáo hội, qua những biến cố trong cuộc sống hàng ngày. Lời Chúa nhắc nhở ta có lúc gắt gao, mãnh liệt, quở trách nặng nề qua những thất bại trong công việc làm ăn, qua những khó khăn tai ương, những nghịch cảnh và qua cả những yếu đuối, đam mê và tội lỗi.
Cũng có lúc, Chúa nhắc nhở ta bằng những lời thì thầm, nhẹ nhàng và sâu lắng qua quy luật tự nhiên, qua trật tự trong vũ trụ. Nhìn chiếc lá vàng rơi về cội, nhìn dòng nước xuôi về nguồn, ta hiểu được rằng con người cũng phải trở về với gốc tích của mình. Nhìn những áng mây trôi lang thang, ta hiểu được rằng cuộc sống này luôn biến đổi, ngoài Thiên Chúa ra không có gì là trường tồn vĩnh cửu.
Trang Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một thí dụ cụ thể là Chúa Giêsu đã đọc dấu chỉ của thời đại, tức là hai biến cố đau thương vừa xảy ra: quan tổng trấn Philatô đã giết chết một số người Galilê nơi đền thờ; và tháp Silôê sập đè chết mười tám người. Chúa Giêsu đã thuật lại hai biến cố này trước: "Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết những người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy".
Tai họa là điều tiêu cực xảy ra, không phải là hình phạt của một vị Thiên Chúa muốn trả thù vì tội lỗi của con người và những anh chị em nạn nhân, không phải là những kẻ xấu tệ, đáng khinh. Những biến cố xảy ra là những dịp kêu gọi con người trở lại cùng Thiên Chúa. Dụ ngôn về cây vả không có trái cũng vậy.
Dụ ngôn mời gọi người nghe hãy ăn năn hối cải và thực hiện đền bù trổ sinh hoa trái tốt và thôi không lạm dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa nữa. Mỗi tín hữu đều được mời gọi sống đức tin bằng những việc tốt lành của đức bác ái, một đức tin sống động mới xác tín cá nhân để thực hiện những công việc làm của kẻ yêu mến Thiên Chúa và anh chị em.
Mỗi ngày trên đường đi làm, ta chứng kiến những tai nạn giao thông có người chết tức tưởi khi tuổi đời còn rất trẻ, có những thai nhi đã phải chết ngay từ trong trứng nước...Đến cơ quan, ta lại đối diện với công việc mưu sinh hàng ngày. Những lúc ta bị người khác hiểu lầm, bị đồng nghiệp xúc phạm, lúc ta phải đối diện với nỗi sợ hãi, trống rỗng trong tâm hồn, ta như thấy mất hướng sống và rơi vào bế tắc. Bạn bè xung quanh ta có những người đã đạt đến đỉnh vinh quang phú quý, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn thế mà chỉ một chút hiểu lầm thì đường ai nấy đi, kéo nhau ra tòa ly dị. Tình đời quả là éo le ngang trái...
Câu chuyện “Cây vả” trong Tin Mừng hôm nay là một ví dụ sống động về ngày giờ của Chúa. Tất cả mọi phút giây dù sống trong vinh hoa phú quý hay bần cùng khốn khó, Chúa đều nhắc ta tìm ý Chúa. Chúa đã dựng nên ta trong tình yêu nên Ngài không nỡ để ta phải mạng vong. Trái lại bằng mọi giá Ngài đã cứu chuộc và cho ta được thông phần hạnh phúc với Chúa. Tuy vậy, Thiên Chúa cũng là Đấng công bình và ngay thẳng, thưởng phạt đúng người đúng việc.
Hàng ngày, Chúa vẫn gửi cho ta những dòng tin nhắn để nhắc ta chuẩn bị tương lai cho một ngày viên mãn. Thái độ của chúng ta là chú ý lắng nghe hay thờ ơ lãnh đạm. Mỗi người chỉ sống một lần nên chúng ta phải sống sao cho ra sống, đừng sống hoài sống phí.
Hơn nữa là con cái Thiên Chúa chúng ta được mời gọi trở về trong vòng tay yêu thương của Cha, trong ngôi nhà ấm áp của tình yêu. Một lần nữa, Giáo hội mời gọi chúng ta dừng lại chiêm nghiệm thân phận con người trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Con người sinh ra không phải để qua đi như cỏ cây hoa lá. Con người chết đi không như một dấu chấm hết mà là để khởi sự tiến sâu vào mầu nhiệm sự sống đích thực vì Thiên Chúa là Chúa của sự sống.
Những ước mong mỗi người chúng ta nhận ra thân phận yếu đuối của mình mà biết cậy trông vào Chúa. Con người yếu đuối nhưng nhờ sức mạnh của Chúa chúng ta sẽ vượt qua. Chúa Giê-su đã từng chiến thắng cám dỗ nhờ niềm tin vào Thiên Chúa Cha. Ngài luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha để thêm sức mạnh. Ngài cũng luôn chọn Chúa Cha làm lương thực cho Ngài hơn là những vật chất mau qua.
Nhận xét
Đăng nhận xét