Lễ Kính các Tổng Lãnh Thiên Thần


Lễ Kính các Tổng Lãnh Thiên Thần

“Các thiên thần của Thiên Chúa
lên lên xuống xuống trên Con Người”

(Ga 1, 47-51)

47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.”48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”

49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! ” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”

51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành Lễ Kính các Tổng Lãnh Thiên Thần: Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en. Như Lời Chúa trong bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay mặc khải về các thiên thần, xin cho chúng ta nhận ra cách sâu xa sự hiện diện và hoạt động mạnh mẽ của các ngài trong thế giới, trong Giáo Hội và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô.

Chúng ta cũng cùng cầu nguyện cho tất cả những anh chị em mang Thánh Hiệu là các Tổng Lãnh Thiên Thần.

1. Các Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en

Trong tên của ba vị Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en, Ra-pha-en, mà chúng ta mừng kính hôm nay, đều có âm cuối là “en”; trong tiếng Do Thái, là El và có nghĩa là Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta còn gọi tên của vị thứ nhất là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nhưng nên sửa lại là “Mi-ca-en”, theo cách gọi của sách Lễ Roma. Lý do, đơn giản là vì vần “en”, trong tên gọi Mi-ca-en có nghĩa là Thiên Chúa.

Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en. Tên gọi “Mi-ca-en”, trong tiếng Do Thái có nghĩa “Ai giống như Thiên Chúa”. Vì thế, sứ mạng của ngài là chiến đấu chống lại Satan, kẻ có tham vọng muốn trở nên như Thiên Chúa, và xúi dục con người chúng ta cũng ham muốn thiên tính như nó (x. St 3); và vì thế Satan tranh dành quyền ảnh hưởng của Thiên Chúa trên loài người chúng ta.

Sách Khải Huyền tường thuật cuộc chiến thắng khải hoàn của ngài và của các thiên thần trong cuộc chiến đấu chống lại Satan (x. Kh 12, 7-12a). Chính vì thế, ảnh tượng của ngài luôn là vị tổng lãnh Thiên Thần uy dũng, tay cầm gươm, chân đạp đầu Satan, hay con rắn, vốn là hình ảnh của Satan.

Tổng lãnh thiên thần Gáp-ri-en. Tên gọi “Gáp-ri-en” trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa”. Ngài được chúng ta biết đến nhiều nhất, vì chính ngài, với tư cách là sứ giả của Thiên Chúa, truyền đạt sứ điệp trọng đại của Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ.

Giống như vị đại sứ thay mặt cho vị Quốc Trường, Tổng Lãnh Thiên Thần Gáp-ri-en thay mặt Thiên Chúa để truyền đạt sứ điệp thần linh cho loài người và cho mỗi người chúng ta với tất cả uy quyền của Thiên Chúa.

Tổng lãnh Thiên Thần Ra-pha-en. tên gọi “Ra-pha-en”, trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Ngài được biết đến ít nhất, vì chỉ được nêu đích danh trong sách Tobia 12, 15, bản dịch Hi-lạp. Và bởi vì, ngài có sứ vụ, thay mặt Thiên Chúa, chữa lành tất các bệnh hoạn tật nguyền của loài người chúng ta, nên truyền thống của Giáo Hội, khi đọc đoạn Tin Mừng sau đây: “Thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi” (Ga 5, 1-4), thì nhận biết, đó là Tổng Lãnh Thiên Thần Ra-pha-en.

2. “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”

Tìm hiều một chút ý nghĩa của tên gọi, và nhất là sứ vụ của các vị Tổng Lãnh Thiên Thần, sẽ giúp chúng ta hiểu ra được và hiều sâu xa hình ảnh bí ẩn mà Đức Giê-su nói với tông đồ Nathanaen (có nghĩa Lộc ThiênÂn Huệ của Thiên Chúa), trong bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay:

Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người. (c. 51)

Các Tin Mừng đã không thuật lại biến cố này, bởi vì rốt cuộc chẳng ai nhìn thấy được, nhưng tất cả các Tin Mừng đều kể về hoa trái của biến cố kì lạ: “trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. Đó là tất cả những gì các Tông lãnh Thiên Thần làm, giờ đây được chuyển giao cho Đức Giê-su:

  • Như Tổng lãnh Thiên Thần Mi-ca-en, Đức Giê-su là sức mạnh của Thiên Chúa, nhưng Ngài là Sức Mạnh tuyệt đối, vì ngài chiến thắng cách tuyệt đối Satan và mọi thứ ma quỉ và thần ô uế. Chẳng hạn, Đức Giê-su đã chữa bà Maria Magdala khỏi bảy quỉ; bảy quỉ, nghĩa là hết mọi thứ quỉ!
  • Như Tổng Lãnh Thiên Thần Gáp-ri-en, Đức Giê-su là vị Sứ Giả của Thiên Chúa, nhưng Ngài là vị Sứ Giả tuyệt vời, đến để nói Lời Thiên Chúa cho loài người chúng ta và cho từng người chúng ta. Bởi vì, ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, nghĩa là Ngài và Lời Thiên Chúa là một.
  • Như Tổng Lãnh Thiên Thần Ra-pha-en, Đức Giê-su là Đấng chữa lành, nhưng Ngài là Đấng Chữa Lành tuyệt hảo nhất. Bởi vì ngài không chỉ chữa lành thân xác, nhưng còn chữa lành tâm hồn, bằng cách tha tội và giải thoát chúng ta khỏi mọi dấu vết của tội. Và cách chữa lành của Ngài thật lạ lùng và đánh động chúng ta: Ngài mang vào thân mình, mọi bệnh hoạn tật nguyền của loài người chúng ta.

3. Mầu nhiệm Thập Giá

Trong suốt thời gian thi hành sứ vụ, Đức Giê-su trừ quỉ, nói lời Thiên Chúa và chữa lành. Nhưng Ngài trừ quỉ, nói Lời Thiên Chúa và chữa lành một cách trọn vẹn và một cách tuyệt đối, khi Ngài để cho mình bị đóng đinh trên Thập Giá. Bởi vì với Thập Giá, Đức Ki-tô chiến thắng hoàn toàn Ma Quỉ và nọc độc của nó, là Sự Chết; bởi vì Thánh Giá Đức Ki-tô nói với chúng ta cách rõ ràng nhất Lời Thiên Chúa, đó là Lời yêu thương và tha thứ; và Thánh Giá Đức Ki-tô chữa lành hoàn toàn mọi bệnh hoạn tật nguyền liên quan đến tội và sự dữ trong tâm hồn chúng ta.

Giống như khi Ngài chiến thắng Satan trong sa mạc, các thiên thần đến hầu hạ ngài (x. Mt 4, 11), khi mọi sự được hoàn tất trên Thập Giá, các tổng lãnh Thiên Thần và toàn thể các Thiên Thần “lên lên xuống xuống” trên Đức Ki-tô chịu đóng đinh.

Xin Chúa cho chúng ta nhận ra và cảm nếm điều kì diệu này, khi nhìn lên “Đấng họ đâm thâu” (x. Ga 19, 37).

Nhận xét