Thứ Hai, 31.08.2020
(Lc 4,16-30)
Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Họ bảo nhau: "Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?" Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”
"Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."
Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
SUY NIỆM
Vì sao không một tiên tri nào được đón nhận tại quê hương mình? Vì sao những người dân tại quê hương của Đức Giêsu lại xua đuổi Ngài?
Chúng ta hãy để ý đến sự chuyển biến trong thái độ của dân chúng: từ “chăm chú nhìn Người”, đến “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”, rồi cuối cùng thành lời chất vấn bẽ bàng “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” Ta có thể thấy dân chúng đã rất thán phục quyền năng giảng dạy của Đức Giêsu, nhưng vì thành kiến xuất thân mà họ đã phủ nhận tất cả về Ngài, dẫu họ chẳng trực tiếp nói lên điều ấy. Và chính Chúa Giêsu đã thẳng thắn phơi bày sự thật nơi đáy lòng của họ: tâm trí thành kiến, lòng ngạo mạn và ghen ghét.
Biết gia thế của Đức Giêsu, họ tự cho rằng mình đã hiểu quá rõ về Ngài. Chính vì “tự cho rằng” như thế, họ không cách nào nhìn nhận một Giêsu mà họ biết chính là Giêsu mà họ “đã nghe nói”, cho dù tự bản thân họ vừa mới mục kích và đã “thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.” Chính sự quen biết khiến họ nên thành kiến, đồng thời cũng làm họ nên ngạo mạn. Ơn Chúa có là gì nếu lòng họ luôn phủ nhận Đấng đang ở giữa họ là một Đấng Thánh.
Ngẫm lại, dường như đã nhiều khi chúng ta cũng giống dân chúng thành Nazareth, biết một đã nghĩ mình hiểu mười. Chúng ta dễ dàng tán thành tài năng của một người xa lạ hơn là một người chúng ta quen thuộc. Khi không có hiểu biết gì về đối phương, lăng kính của ta hoàn toàn rộng mở, giúp ta có cái nhìn tổng thể hơn và dễ dàng đón nhận đối phương như chính họ là. Ngược lại, những hiểu biết do quen thuộc khiến lăng kính của ta nhỏ lại, chệch đi ít nhiều và ta “chỉ thấy điều ta muốn thấy” mà thôi. Bởi vậy, chính khi cho rằng mình đã đủ hiểu về một ai đó hay điều gì, là khi ta tự quay lưng lại với sự thật.
“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Giữa dân ngoại và biết bao dân chúng ở các vùng khác thì dân làng Nazareth có thể kể là thân thuộc với Đức Giêsu hơn cả. Đáng lẽ họ phải là những người vui mừng hơn hết thảy khi nghe danh tiếng vang dội của Ngài và được tận mắt tận tai chứng kiến sự khôn ngoan uy quyền của Ngài. Nhưng buồn thay! Và hiện thực này cũng vẫn còn đang diễn ra trong thế giới chúng ta hôm nay. Rất nhiều khi những người đáng lẽ phải vui mừng cho chúng ta nhất lại là những người khó hân hoan với chúng ta nhất; những người đáng lẽ phải tin tưởng chúng ta nhất lại là những người ngờ vực chúng ta nhất. Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô đã khuyên nhủ: hãy “vui với người vui, khóc với người khóc.” (Rm 12,15) Để có thể “khóc với người khóc” là một điều không dễ dàng. Nhưng đôi khi “vui với người vui” có lẽ lại càng khó khăn hơn, nhất là đối với những người ta càng quen thuộc.
Chúng ta vẫn nghe, vẫn đọc và hằng được dạy dỗ về sự hiện diện của Chúa ngang qua những tạo vật, biến cố mà anh chị em chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Nhưng nếu chúng ta cũng để thành kiến che mờ, thì làm sao có thể nhìn nhận sự việc và chính anh chị em như chính họ là để mà thấy Chúa, có thể tin vào quyền năng Chúa đang thực hiện nơi những biến cố, những người anh, người chị, người em đây?
Hôm nay, chúng ta hãy dành thời gian để phản tỉnh về cách nhìn của chúng ta đối với người khác, đặc biệt là những người ta thường hay tiếp xúc và quen thuộc nhất. Liệu ta đang nhìn họ bằng đôi mắt sáng trong mở tròn hay ti hí mờ đục? Được Lời Chúa thúc đẩy, ước gì mỗi người chúng ta hôm nay có thể ý thức về xu hướng phiến diện của mình, để tâm trí mình được tẩy rửa khỏi mọi thành kiến, ngạo mạn và ghét ghen, nhờ đó có được nhãn quan mới, sẵn sàng đón nhận tha nhân như chính họ là.
Nhận xét
Đăng nhận xét