Hoán cải như thánh Augustino
Mỗi vị thánh đều có phong cách, lối sống đặc thù, riêng biệt. Thánh vì được Chúa dọi chiếu xuyên suốt toàn con người, được Chúa biến đổi không ngừng con người ấy trở nên giống hệt như Chúa qua những nhân đức Người đã sống, đã truyền dậy. Nói như Thánh Phaolô tông đồ: “Hãy mặc lấy Đức Kitô“. Thánh Augustinô đã cởi bỏ con người cũ, đã mặc lấy chính Đức Kitô. Cuộc đời của Ngài đã hoàn toàn thay đổi .
Việc kính nhớ thánh Augustin, một trong bốn tiến sỹ lớn của Giáo hội la tinh, qua đời tại Hippone ngày 28 tháng 8 năm 430, đã xuất hiện trong sách các phép thế kỷ thứ III, và ở Roma từ thế kỷ XI.
Aurelius Augustinus sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Thagaste (nay là Souk-Ahras, Algéric) ở châu Phi thuộc Roma. Là công dân Roma, con một người cha không công giáo tên Patricius và một bà mẹ công giáo tên Mônica, Augustin trước học văn phạm ở Madanre, đến năm 371, đi sang Carthage thủ phủ châu Phi Roma để theo học triết lý - Mê say đọc Hortensius của Cicéron, Augustin khám phá triết học và đam mê đi tìm chân lý.
Vì nhu cầu nuôi sống gia đình ông buộc lòng nhận dạy tu từ học ở Carthage. Thời gian đó ông theo lạc thuyết Manichée trong chín năm, mong tìm được chân lý nơi tôn giáo này. Trước tiên, ông bị mê hoặc bởi giáo thuyết này tưởng có thể giải thích sự tranh chấp giữa Thiện và Ác, cái đẹp và những điều lộn xộn nơi thế giới, nhưng rồi ông thất vọng.
Năm 383, Augustin bỏ Carthage sang Roma trước khi đến Milan lúc đó là thủ phủ đế quốc Roma phương Tây, tại đây ông cũng dạy tu từ. Mẹ Ngài là bà Mônica đã đến tìm gặp ông ở đây, và cũng chính tại đây, đường chuyển biến tinh thần của Augustin kết thúc nhờ thánh giám mục Ambroise mở đường cho Ngài hiểu Kinh thánh và một thứ tân Platon thuyết có vẻ đáp ứng niềm khát mong chân lý nơi Ngài. Giờ đây Augustin đã sẵn sàng cho bước nhảy tới Chúa, tức là trở lại.
Một giai thoại nhiều người biết xảy ra trong vườn nhà Ngài ở Milan đã được thánh nhân kể trong quyển Tự Thuật: “Tâm hồn đau đớn, con tim tan nát, tôi đang khóc, bỗng tôi nghe từ nhà bên cạnh tiếng hát của một người con trai hay con gái không rõ. Tiếng hát không rõ nhưng nghe lặp nhiều lần: Tolles, lege. Tolles, lege (Cầm lên, đọc đi ! Cầm lên, đọc đi !). Vậy nên tôi vội vã đến chỗ Alypius ngồi, tôi cầm lấy cuốn sách của Thánh Tông đồ, mở ra và im lặng đọc khúc đầu tiên bắt gặp: Đừng chè chén say sưa, đừng chơi bời dâm đãng, cũng đừng cải cọ ghen tuông. Trái lại hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng (Rm 13,13) ... Chính lúc này, như có một luồng sáng tỏa lan hồn tôi phá tan mọi bóng tối nghi ngờ” (XIIII,12). Tám tháng sau, thánh Ambroise rửa tội cho Ngài trong đêm Phục sinh đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng tư năm 387.
Thánh Augustinô đã được Chúa biến đổi hoàn toàn. Từ một chàng thanh niên hư hỏng, trụy lạc, coi như là đã bị loại ra khỏi xã hội. Thánh nhân đã mặc lất tâm tình của Chúa Kitô. Thánh nhân đã làm một cuộc trở lại tận căn, sám hối, ăn năn như Phêrô đã chối Chúa 3 lần,Chúa nhìn Phêrô, Phêrô nhìn Chúa, Chúa đã thứ tha cho Phêrô tội tầy đình ông đã phạm. Còn Augustinô là người ngoại, đã được ơn hoán cải do lời cầu nguyện tha thiết và do những giọt lệ của bà thánh Monica,
Augustinô đã gặp Chúa, đã thay đổi nếp sống của mình, đã lột bỏ con người cũ và mặc lấy Đức Kitô. Augustinô đã trở nên con người mới hoàn toàn. Augustinô đã làm lại con người của mình ngay từ đầu. Giờ phút Đức Cha Ambrosiô ban phép rửa tội, thêm sức cho Ngài đã trở nên giờ cứu độ cho Ngài. Giờ ấy là giờ Đức Kitô được tôn vinh qua cái chết và sống lại của Chúa.
Augustinô về với Chúa năm 430, hưởng thọ 76 tuổi. Thánh nhân đã được Chúa rước về trời để mãi mãi cùng với các thánh và các Thiên Thần diện kiến và ca tụng Chúa không ngơi.
Với trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu nói với quần chúng và môn đệ. Chúng ta có thể tự hỏi: Vì sao nói với những người này, Chúa lại có những lời chỉ trích Ký lục và Biệt phái? Có thể coi những lời phê bình này như để dẫn nhập đưa vào phần giáo huấn môn đệ. Có lẽ đúng hơn nên nghĩ rằng tác giả Matthêô viết bài Tin Mừng này cho Hội Thánh.
Và rồi trong thế giới Dothái Kitô giáo của người, không khỏi có những người hay ít ra không khỏi có khuynh hướng muốn tổ chức Giáo hội theo kiểu mẫu Dothái; và hàng tư tế Ðạo Mới có vẻ sắp bắt chước hàng tư tế đạo cũ. Do đó đoạn văn này vẫn cần thiết cho Hội Thánh, và chúng ta nên hiểu nó muốn nói gì với mình.
Ký lục và Biệt phái trước tiên được công nhận như những người có quyền ngự tòa Môsê. Tức là họ giữ quyền giáo huấn và trông coi Luật pháp. Ðịa vị này không nhỏ. Tòa của Môsê ngày xưa đặt ở núi Sinai, nơi ông tuyên bố Luật pháp và làm lễ ký kết giao ước giữa Chúa với Dân. Và núi Sinai thuở ấy có mây trời bao phủ và sấm chớp nổ vang trên chóp đỉnh. Tòa của Môsê được tham dự vào uy phong của Thiên Chúa. Dân khi ấy hãi hùng khiếp sợ. Họ chấp nhận mọi điều Môsê nói thay mặt Chúa.
Ta thấy Thánh Matthêô nhận thấy họ có hai cách: hoặc họ dạy Luật pháp mà không thi hành; hoặc họ thêm thắt vào Luật pháp đến nỗi họ dạy truyền thống loài người chứ không phải Luật Chúa nữa. Với cách trên họ là những con người giả hình; nhưng vì họ rao truyền Lời Chúa, chúng ta vẫn phải thi hành nhưng đừng bắt chước cách ăn ở của họ.
Chính nết xấu này là điều phải tránh trong Giáo Hội Chúa Kitô. Không những nó phân rẽ hàng ngũ Dân Chúa, nhưng nhất là nó muốn choán chỗ của chính Người. Ta thấy người có nết xấu đưa mình lên như thế, không lưu tâm làm vinh Danh Thiên Chúa nữa nhưng chỉ muốn vơ mọi danh dự về cho mình. Và từ chỗ này, người ấy muốn trở thành luật cho người khác và cầm giữ người khác dưới quyền đô hộ của mình. Một xã hội không loại trừ nết xấu đó sẽ không còn lòng mến Chúa và không còn tình anh em. Nó không thể là Giáo hội của Ðức Kitô.
Thế nên khi Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ rằng: các con chớ cho gọi mình là Thầy, là Cha, là người chỉ đạo, Người chỉ muốn chúng ta từ bỏ nết xấu đó để ý thức lại quyền của Thiên Chúa ở trên mọi người. Có hướng về Thiên Chúa, người ta mới là anh em với nhau và Giáo hội mới là Hội Thánh.
Và điều này hết mọi người phải thi hành, cả tư tế lẫn giáo dân. Có thi hành, tư tế mới giảng đạo chứ không giảng mình và mới khỏi "bó những gánh nặng mà đặt trên vai người khác, còn chính mình lại không muốn tra ngón tay lay thử". Vì thường ách của Chúa thì nhẹ, còn gánh người ta bó mới nặng! Còn giáo dân, khi theo gương khiêm hạ của Ðức Kitô, sẽ dễ tìm thấy bình an giữa mọi người và xây dựng được cộng đoàn bác ái.
Nhận xét
Đăng nhận xét